Ân tình

Jolie

Member
Anh thức dậy khi buổi sáng vừa chớm lóe. Màu đục đục như ly cà phê sữa pha thật loãng xoa khắp cảnh vật xung quanh. Gió từ con sông đưa lên qua khung cửa sổ lành lạnh. Anh nghe lao xao tiếng nước lóc xóc, dập dềnh từ phía ngoài.


Anh nhẹ nhàng ngồi lên, cho chân xuống tìm đôi guốc dưới bộ ván. Da dưới gan bàn chân chạm vào mặt gỗ mộc của guốc cũng cho anh cảm giác lành lạnh, gây gây. Cái quai guốc cứng bè bè cọ vào da khi anh cố xỏ chân vào làm cho anh thấy gờn gợn.


Anh bước khỏi bộ ván, rón rén đi thật nhẹ để khỏi đánh thức Hiển đang nằm nơi bộ ván khác ở kế bên. Vậy mà vẫn không tránh được vì anh đã nghe tiếng Hiển hỏi: mày thức dậy làm chi sớm, trời còn lem nhem mà. Anh ấp úng trả lời trống không: ừ, cũng muốn ra coi sông ở quê sáng sớm sinh hoạt thế nào cho biết. Hiển cười lên khanh khách: mẹ họ, tự dưng sao mày nói năng cung kính vậy hả. Chớ cái tiếng mày tao hằng ngày mày vẫn dùng giữa tụi mình đâu rồi, về quê chơi mà cũng bày đặt lễ nghĩa.


Bỗng dưng anh thấy mình khôi hài. Hiển mời anh về chơi quê nhà chỉ mới hôm qua đây thôi mà sao anh chóng đổi thay đến vậy. Anh nhớ hồi còn ngồi trên xe, Hiển và anh vẫn hồn nhiên mày tao chi tớ, thế mà từ lúc về đến nhà Hiển, gặp cô em ra chào, là anh mất biệt tiếng mày tao. Anh nghĩ giữa hai đứa nói năng sao cũng được, nhưng có mặt người nhà Hiển mà kêu nhau bằng mày tao e sẽ bị chê cười.


Rồi chẳng lẽ làm thinh với bạn, nên anh cũng chống chế cho xong: thì cũng phải tập đứng đắn lần lần, chớ để người nhà Hiển chê trách thì phiền. Nói rồi anh đi lần lại phía cửa sổ. Anh nhìn xuống con sông phía dưới, mới hồi hôm dòng nước còn vắng trơn mà bây giờ ghe ở đâu về đông quá. Tài công ở mỗi ghe đang lăng xăng lo sửa soạn hàng, kiểm lại đỏi dây neo, thỉnh thoảng một tiếng còi phát ra từ chiếc ghe nào đó nghe rè rè khắp mặt sông.


Cái bốt đóng cạnh bờ sông cũng đã rộn rịp. Mấy tay lính tây cởi trần trùng trục, lông mọc um tùm trước ngực, râu rậm dưới cằm, lăng xăng đi ra đi vô dưới trời lành lạnh. Một mụ người Miên bụng chửa, cũng ở trần, vú vê đang thời kỳ tạo sữa trông thỗn thện, lắc lư với cái quầng to và đen như quả bưởi héo. Mụ cũng đang nói năng gì đó với thằng lính tây chắc là chồng hay bồ của ả. Thằng tây cứ mẹc om sòm, còn mụ thì lãi rải nói dai như giẻ rách.


Hiển nói bâng quơ, nhưng dường như muốn giải thích với anh: bữa nay thứ năm đồn lập công voa đưa ghe đi miệt Nha Mân, Hồng Ngự. Bây giờ họ lo sắp xếp ghe cho có lối, có hàng, chừng có nắng lên một chút nữa là bắt đầu di chuyển.


Anh gục gặc đầu như hiểu ra. Anh nhìn ra tít phía xa. Mùa hè mới tới mà trời coi như mùa đông. Nước sông lặng lờ, sương mai chưa tan nên cảnh vật trông u u như mùa thay lá. Lại thêm cái lạnh se se y hệt như khí hậu ngày cuối thu trở sang đông. Khắp nơi êm êm như mọi người còn đang lần khân chưa muốn thức dậy.


Anh lặng lẽ đi xuống tầng dưới. Qua cái chái được quây cót chứa thóc, anh thấy bếp đã có ánh lửa nhen, cô em gái của Hiển đang lo nấu nướng gì trong đó. Nghe tiếng chân anh, cô quay lại. Cô nhỏ nhẹ hỏi anh: dân thành phố mà anh cũng dậy sớm dữ, hổng bù với anh Hiển, năm nào về nghỉ hè cũng ngủ mệt mệ Em có lên kêu thức ảnh còn rầy la, đòi để ảnh ngủ bù cho đã.


Tự nhiên anh thấy vui vui trong bụng. Thiếu nữ miệt quê đơn sơ, mộc mạc, thấy sao nói vậy, không màu mè giấu giếm bất cứ chuyện tốt xấu của ai. Vậy anh lại thấy lo hơn, lỡ nói ra điều gì không phải để cô phê bình cho là mất mặt.


Thấy anh im lặng, cô gái hỏi theo: hồi hôm anh ngủ, có nghe bên đồn tiếng người kêu la gì không? Anh cũng hỏi cô: có chuyện đó sao? Tối đến ngủ mệt quá, tôi không nghe gì cả. Rồi như để chống chế, anh nói: ngồi xe suốt ngầy ngật ngầy, nên đặt lưng xuống là ngủ như chết. Vả lại, ban đêm đồng quê im vắng quá cũng giúp người ta dễ ngủ say, nhất là người thành phố vốn quen với tiếng xe cộ ầm ào suốt ngày. Cô gái nói chữa thẹn cho anh: em hiểu mà, anh Hiển cũng vậy thôi, mỗi lần về nghỉ là chỉ ngủ, có khi quên ăn luôn.


Nói tới đây đã nghe tiếng Hiển hỏi sau lưng: mày kể xấu anh mày chi đó, gái. Bộ mày thấy bạn tao về chơi rồi khoe hết cái dở của anh mày ra hả. Cả cô gái lẫn anh giải thích tranh nhau: cô em có nói gì đâu, chẳng qua hỏi mình hồi đêm ngủ có nghe bên đồn la hét hôn, mình nói ngủ mê hổng biết gì hết, cô em nói thì Hiển cũng vậy. Cô gái gục gặc cái đầu như cảm ơn sự che chở của anh.


Hiển quay sang chuyện khác: tưởng gì chớ chuyện bên đồn là ngày bữa như vậy. Mỗi lần đi bố lùa dân về là y như đêm đó tra khảo tìm nơi Việt Minh ẩn trốn. Tội là bọn Tây chỉ bắt các ông già bà cả, họ là dân chân chất, nào biết gì, lại thêm bọn thân binh bày trò cho giặc, Tây làm một, họ làm mười, nên tiếng kêu la nghe rõ mồn một. Dăm ba bữa nếu không khai thác gì được là thả, rồi mấy ngày sau lại mở cuộc bố khác. Anh rùng mình thương cho kiếp sống nông thôn đầy đe dọa. Một cổ đôi ba tròng, đau thương biết kiếp nào cho hết. Ban đêm mấy chả về xua dân đi đào đường, đắp ụ; sáng ra lại bị dựng lên ra lấp hố, cào đường. Cái thân phận dân cùng đinh ngủ cũng không thẳng giấc, rồi Tây bố, khảo tra; có người tới lui bị bắt mấy lần trở đi trở lại. Cô gái thở dài khi thấy không khí thật nặng nề. Cô nói với hai anh: đất mình sao đánh nhau hoài khổ quá. Tới chừng nào dân mình mới hết chuyện khổ đau.


Ngoài sông tiếng còi tu tu theo nhau rúc lên inh ỏi. Giờ công voa lên đường bắt đầu. Anh bước ra mở cửa trước nhìn sinh hoạt sông nước. Hàng ghe đậu san sát nhau kéo dài tới mút mắt. Ghe tuần chạy lên chạy xuống, khẩu đại liên xỉa xỉa mọi nơi, sau bửng sắt tay lính Tây cởi trần da đỏ ửng, đạn quấn thành dây quanh người.


Đoàn công voa trên sông bắt đầu di chuyển. Ghe lần lượt nối đuôi nhau rời bến. Quang cảnh tấp nập lao xao. Dân hai bên bờ nhìn theo đoàn ghe với con mắt vừa lạ lẫm, vừa lo toan. Trong đầu họ có thể cũng đang dâng lên một đắn đo suy tư nào đó. Những gia đình có người thân đi chuyến này đều hồi hộp đợi chờ. Chỉ đến khi nào ghe đến nơi đến chốn, hàng họ bán xong và trở về đến nhà suôn sẻ thì may ra nỗi sợ mới hết. Thuyền đi xa dần, những ghe đầu đã khuất sau khúc sông ngoặt mà đuôi vẫn lê thê còn kẹt lại trên đoạn sông phía sau. Thỉnh thoảng vài tiếng còi tu tu thổi vang trên dòng nước. Tự dưng anh cũng thấy mình chia xẻ tâm trạng với những người sinh sống bên sông.


Anh quay trở lại trong nhà. Cô em dọn lên bữa ăn sáng, nồi cháo lươn bốc khói thơm lừng mùi tiêu hành. Ba má Hiển cũng đã thức dậy. Mọi người quây quần bên bộ ván cạnh bếp. Anh rụt rè, Hiển phải nhắc chừng anh, đồng thời ba má Hiển cũng dặn dò anh cứ tự nhiên. Trong khi ăn, ba má Hiển hỏi thăm về gia đình anh. Anh trả lời rành rẽ, không giấu giếm. Tiếng máy ghe ngoài sông sình sịch vẫn vọng vào. Thỉnh thoảng vài hồi còi u u rúc lên từ phía xa xa khiến anh có cảm tưởng như con sông loãng ra và trải rộng khắp. Hiển nhìn anh chúm chím cười, có lẽ thấy lạ về những cử chỉ đột khởi trong anh. Ba má Hiển thấy con mình cười hoài, mắng át đi: mày có để cho anh bạn ăn uống tự nhiên không, mày cứ chọc anh ấy hoài, làm sao ảnh ăn được. Anh ấy đến chơi còn lạ nhà, lạ cảnh, nên khép nép giữ lẽ, chớ có ai ào ạt như mày. Hiển nghe nói thưa dạ dạ, nhưng miệng thì vẫn cười chưa dứt được.


Cùng với đoàn công voa khởi hành chưa dứt, những chiếc ghe nhỏ chở đầy các loại rau trái, đồ vật từ các vùng xung quanh cũng ghé vào cất hàng lên chợ. Tiếng người, tiếng chân, tiếng mua bán trả giá, tiếng tranh nhau chọn lựa hàng làm cho buổi sáng như bừng lên. Sương vẫn chưa tan, trời vẫn se se mỗi khi có cơn gió thổi đến.


Bữa điểm tâm trôi qua. Ba má Hiển đi thăm thú người nào đó. Cô em lui cui lo dọn dẹp, Hiển cùng với anh đưa nhau ra phố. Phố là con đường lộ nhỏ trải nhựa một quãng dài, còn lại từ phía cái cầu xi măng trở đi vẫn là đất đỏ chạy tít mãi về các xóm nào đó. Tiếng máy điện nổ rầm rầm, khói đen tỏa lên trời, cái nhà máy điện cũng nhỏ nhoi như tất cả cái gì đều nhỏ nhoi của vùng quê sông nước.


Bến xe nằm chếch ở cuối phố, gần bên cây cầu xi măng. Khách người ngồi trên xe, người còn đứng dưới đất, tiếng anh tài mời khách và bảo đảm xe sắp chạy. Một hai chiếc cũng đã mở máy nghe ùng ùng, nhưng cái bửng tổ chảng phía trước vẫn còn dở cao chưa đóng lại.


Hiển hỏi anh có muốn đi thăm chợ và bến sông cho biết. Anh gật đầu nhận lời. Trên đường, Hiển hỏi anh: tao thấy mày kỳ kỳ. Hình như mỗi một chuyện gì ở vùng này cũng làm cho mày suy nghĩ. Hồi sáng, tao thấy mày nghe tiếng còi tàu mà như lãng đãng nhớ chuyện đâu đâu, do đó tao mắc cười làm ba má tao rầy.


Câu hỏi bỗng như khơi lên ở anh một ảnh hình đã khuất. Anh chợt nhớ lại những ngày còn bé được bố cho về quê chơi, anh đã đứng trên bờ đê mải mê nhìn những chiếc thuyền buồm trôi rong trên sông nước. Anh đã ước gì lớn lên sẽ có lần được theo thuyền đi một chuyến thật xạ Đang lúc đó, tiếng còi ô tô ray chạy qua cũng rúc lên từng hồi u u như tiếng còi trên sông lúc nãy, khiến anh thấy buồn buồn.


Hiển hoàn toàn thông cảm với anh, song với tính Nam Bộ xuề xòa Hiển chêm vào: ôi hơi đâu mà nghĩ mãi về dĩ vãng. Cũng tại đất nước mình hẩm hiu nên giặc giã hoài không hết. Nói rồi Hiển gục gặc cái đầu như muốn hắt đi những suy nghĩ vừa bắt rễ nơi đó.


Qua cái bốt, đám thân binh đang hầm hè làm giặc với đám lương dân bị bắt trong cuộc bố. Trời ửng nắng chang chang, cái nắng dù mặc áo vẫn thấy như soi xỉa vào da, thế mà bọn lính bắt tất cả đàn ông, thanh niên cởi trần, tay trói quặt ra sau lưng, ngồi xếp lớp ngoài sân bốt. Một thằng thổ cầm lăm lăm cây súng mút cờ tông đi lui đi tới, thỉnh thoảng đưa mũi súng nhứ nhứ vô ba sườn họ miệng nói gì chẳng ai hiểu. Trong số cũng có mấy người phụ nữ bị bắt. Họ ngồi lấm lét sợ. Tên đàng thổ đi ngang dở bàn tay xòe vỗ bạch bạch lên bàn tay nắm lại hỏi mấy người: bắt cái nước, bắt cái nước và nhăn răng cười khả ố. Các cô co rúm người lại, ai cũng nghĩ trong cuộc bố mà gặp mấy thằng chết đâm này chắc là khó giữ được trinh trung. Đột nhiên anh thấy thương cho họ.


Buổi trưa, Hiển cùng anh về nhà. Hiển rủ anh đi ngủ, nhưng anh không thế nào yên tĩnh. Những hình ảnh của con phố nhỏ bắt gặp buổi sáng vẫn còn ám ảnh tâm trí anh. Nó cứ lớn dần lên như hòn đá quăng xuống ao khiến cho những làn sóng cứ to, giãn rộng ra cho đến lúc chạm vào bờ.


Cô em Hiển đang làm gì đó ở mé ao. Thấy anh, cô hỏi: anh đi phố thấy thế nào. Chắc là nhỏ và buồn chớ hổng giống thành phố, phải hôn anh? Anh gục gặc đầu rồi cũng đặt câu hỏi lại: tôi thấy ba má cô thuộc vào hàng khá giả, sao cô không xin hai bác cho lên thành phố học với anh Hiển.


Cô gái trả lời mà như phân bua: ba má em nói con gái khỏi cần học cao. Miệt ruộng học xong cỡ lớp 5 là được rồi, còn phải lo phụ việc nhà. Rồi miệng nói, tay cô khoắng xuống mặt ao như muốn xua đuổi sự ước ao vừa nhen lên ra khỏi ý nghĩ. Cây xoài lao xao có gợn gió, buổi trưa im im như ai nấy đang ngủ trưa.


Lần ấy anh về Cái Tàu với Hiển là lần duy nhất. Trở lại Saigon, anh cứ nhớ hoài con phố nhỏ độc nhất một con đường. Anh nhớ cây cầu xi măng, nhớ nhà máy đèn máy chạy kêu sình sịch, nhớ tiếng còi tàu u u mỗi sáng thứ Năm kết công voa về miệt Hồng Ngự, Nha Mân. Anh nhớ cái bốt với thảm kịch người dân bị lùa về dăm ba hôm, bị khảo tra kêu đau đớn rồi lại thả ra và bắt đi bắt lại nhiều lần.


Thỉnh thoảng anh cũng nhớ về cô em của Hiển. Không hiểu sao lời nói êm êm chẳng hề than van về ý muốn xin lên thành phố học không thành mà cứ như một đè nén chịu đựng ngàn đời của thiếu nữ miệt ruộng. Ân tình ngắn ngủi, rất mỏng manh mà sao như sợi tơ nhện vương vấn đầu óc anh suốt đời.


Gió sông Cửu Long suốt đời vẫn lặng lờ trôi mang trong mình lượng phù sa đỏ quạch như màu máu. Máu luân lưu trong huyết quản để nuôi sống con người, nhưng liệu phù sa đến khi nào mới rửa sạch được cái ý hẹp hòi trói chân người thiếu nữ.


Chợt một lần nào nhớ về con sông anh lại thấy trái tim nhói đau. Thương cho quê nhà nhẫn nhục mà cứ thấy như mình cũng có lỗi rất nhiều.



Tác giả: Đỗ Thành





 
Back
Top